Cập nhật thông tin cuối năm

23 12 2009

—Thanksgiving—

Cách đây gần 1 tháng là lễ Thanksgiving (Tạ ơn !?!?) ở Mỹ. Trường học và công sở được nghỉ lễ 2 ngày và tiếp sau đó là cuối tuần nên lễ năm nay được nghỉ tổng cộng 4-5 ngày. Thanksgiving đúng là lễ “ăn uống” + không khí gia đình. Hầu hết mọi người đều quay về sum họp gia đình, tương tự như người Việt với Tết. Mình ở nhà người bạn trong những ngày lễ và thưởng thức mấy món ăn truyền thống. Thanksgiving day còn được gọi là “turkey day” vì mọi người mọi nhà đều ăn gà tây trong dịp lễ. Cái này thì nghe giống như mùng 5 tháng 5 năm, người người nhà nhà ăn vịt ở Vietnam. Ở nhà bạn tổng cộng 8 người, tiêu thụ con gà tây nặng hơn chục ký… Thông thường khi chế biến gà tây được chia ra thành 2 loại thịt: thịt trắng (phần thịt ở ức gà) và thịt sẫm màu (ở phần đùi,…). Đa số người Mỹ thích thịt trắng; mình thì mê thịt đùi + khới xương… sự kết hợp hoàn hảo. Một món ăn thanksgiving khác mình thích là bánh bí ngô; bánh táo cũng ngon; khoai lang nướng ăn cũng thích…

Ngày thứ 6 ngay sau lễ thanksgiving (gọi là thứ 6 đen tối –  black Friday) là ngày mà mọi người đua nhau đi mua hàng giảm giá. Hầu như tất cả mọi cửa hàng đều có chương trình giảm giá rất lớn và được quảng cáo cả tuần trước đó. Thường cửa hàng mở cửa khoảng 6-7 giờ sáng thứ 6, người dân thì đến xếp hàng ở trước cửa hàng từ 7-8 giờ tối ngày thứ 5 trước đó, sau khi ăn bữa tối thanksgiving xong. Nhiều người mang theo lều du lịch, thức ăn khô và đồ uống, đến dựng trại nằm ngủ trước cửa hàng đợi đến sáng sớm để vào cửa mua hàng siêu khuyến mãi. Ngày black Friday đó mình đến cửa hàng lúc khoảng 10 giờ sáng, hết khuyến mãi, chỉ còn lại là một bãi chiến trường bao bì, ly nhựa, giấy báo,… bên ngoài cửa hàng. (Thiệt tình mà nói thì nhiều nơi ở Mỹ, dân cũng xả rác như rươi. Nhưng hệ thống thu gom, dọn dẹp tốt. Chi tiết về việc thu phí, hoạt động như thế nào thì mình chưa tìm hiểu kỹ nên chưa dám bàn luận ở đây)

Sau khi quay trở lại San Antonio sau lễ thanksgiving là loạt bài thi cuối kỳ ở trường. Cái tuần thi cử đau khổ nhưng cuối cùng cũng được kết quả cuối môn tốt cho cả 4 lớp; hên. Tuần cuối cùng của học kỳ ở trường ký tá hợp đồng làm việc với anh giáo sư. Rứa là tháng 1 sang năm, đi chơi về, trở lại trường là có việc làm mới trong dự án của giáo sư 🙂 whut whut…

(–Tiếp phần Christmas–)

—Christmas—

Kế hoạch ăn chơi dịp Christmas và New Year là từ ngày Dec 18 đến Jan 4. Từ San Antonio cùng với bạn lái xe lên Denver, ở bang Colorado (đi lên phía bắc) và ở lại đây đến hết Christmas. Sau đó chạy về Houston ăn tết (tây) rồi sau tết mới về lại trường để chuẩn bị cho học kỳ mùa xuân.

Bang Texas rộng bát ngàn phải mất gần 2 ngày lái xe để ra khỏi bang. Ngồi xe 2 ngày không mệt nhưng chán; cũng may khi đi lên miền bắc Texas thì gặp vùng khai thác năng lượng gió khá đẹp và thú vị. Thật ra người ta khai thác cả năng lượng gió và dầu ở vùng này; cách ngay mấy cái “cối xay gió” khổng lồ là máy khoang dầu. Chừng đó đủ đề thấy nhu cầu năng lượng ở đây bự cỡ nào. Nhiều người Mỹ vẫn hay tự hào rằng họ có nguồn năng lượng dự trữ khổng lồ và đủ dùng cho nhiều thế kỷ nữa nhưng ít ai hiểu nhu cầu năng lượng của họ cứ tăng liên tục theo cấp số nhân nên chừng đó dự trữ có thể chỉ đủ ăn trong vài… năm. Một ví dụ rõ ràng về một loại vi khuẩn tăng trưởng bằng cách nhân đôi sau mỗi phút và người ta có 2 cái bình rỗng để chứa. 11 giờ sáng, 1 con vi khuẩn được bỏ vào 1 cái bình và bình đó đầy vi khuẩn lúc 12 giờ trưa. Câu hỏi là lúc nào thì vi khuẩn xài hết cả 2 cái bình; 12 giờ 01 phút. Nếu người ta kiếm được thêm 6 cái bình rỗng nữa, gấp 3 lần những gì đang có (quá dư xài !?!?) thì thật ra 6 cái bình đó chỉ giúp vi khuẩn sống thêm đến 12 giờ 03 phút… Túm lại ở Vietnam cũng có nhiều vấn đề cũng phải được suy nghĩ như kiểu “vi khuẩn” và giải quyết… “ngay bây giờ”.

Quay lại chuyện đi chơi, qua đến ngày thứ 2 thì phái đoàn ăn chơi qua được tới bang New Mexico. Thật ra thì chỉ đi qua 1 góc nhỏ phía đông bắc của tiểu bang này nên không có nhận xét gì nhiều. Chỉ có cái ảnh dừng lại giữa đường chụp chia sẻ với mọi người cho vui.

Đến Denver muộn tối thứ 7. Ở đây là vùng núi cao, trời đang lúc lạnh nên hít thở hơi vất vả tí. Colorado rất đẹp, ngay cả lúc mùa đông; các mùa khác chắc đẹp hơn nhiều. Hy vọng sẽ sớm có dịp quay lại vì dự án của anh giáo sư mà mình sắp làm việc cùng là ở vùng tây bắc bang Colorado. Ở đây rất khô, độ ẩm khoảng dưới 40% nhưng cũng nhờ khô nên không cảm thấy lạnh lắm khi nhiệt độ trong mấy ngày này cứ dao động quanh mức 0 độ C. Cách đây 2 hôm khi mới đến Denver thì tuyết đang tan nhưng chiều tối nay và ngày mai sẽ có tuyết rơi và có thể sẽ có “white Christmas” cuối tuần này.

Colorado có vùng núi đá rất đẹp. Ngay ở ngoại ô Denver có 1 khu du lịch núi đá tự nhiên gọi là Red Rock. Đá ở đây là đá đỏ và người ta tạo một nhà hát với thiết kế hệ thống âm của thiên nhiên, trừ các bậc cấp và hệ thống ánh sáng là nhân tạo. Nhà hát nhìn về phía downtown Denver và âm thanh trong khu vực này vang/truyền một cách kỳ diệu. Lúc mình ở đây thì có một người đàn ông đang đánh guitar và hát ở dưới sân khấu, không có micro hay hệ thống khuyếch âm, chỉ hát bằng miệng và đánh đàn không nhưng mọi người đều có thể nghe rõ bài nhạc khi đứng tít trên đỉnh của nhà hát.

Vùng này có rất nhiều đạp xe đạp, chạy và đi bộ. Do vùng này là núi cao, không khí loãng, áp suất thấp nên nhiều dân chơi thể thao chuyên nghiệp (thường là xe đạp) đều đến đây để tập luyện. Mình mới lên đây nên phải uống nước nhiều, kem giữ ẩm cho da, môi bôi liên tục, rồi chơi thêm 1 lớp kem chống UV nữa khi đi ra nắng,… Nói chung là không quen mấy vụ đó lắm.

Tạm thời viết ngang đây đã. Hy vọng sẽ viết và kể chuyện thêm trong những ngày tới về Giáng sinh, trượt tuyết và mấy chỗ đi chơi.

Chúc mọi người Christmas vui vẻ!


Actions

Information

3 responses

23 12 2009
Giang

Lo ma bo^i kem vo khong thoi da kho^, no^i ngu*a tha`nh ghe o* la^n 🙂

23 12 2009
tuan

haha

22 03 2010
Aunt Patty

Hi Tuan – I have looked at your FB page but I have never looked at your blog. It was so fun to see all of your pictures of your visit to Colorado. I think of that time often — we had so much fun. I hope you are well. Love, Aunt Patty

Leave a reply to Aunt Patty Cancel reply